Miếu Thờ Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong Diên Khánh Nha Trang

Nép mình dưới bóng cây dầu đôi trên 200 tuổi, miếu thờ Trịnh Phong xưa kia chỉ là am thảo nhỏ, do người dân địa phương dựng bằng tre để bày tỏ lòng kính phục với chí sĩ Trịnh Phong - một người con của quê hương Khánh Hòa đã nêu cao tinh thần yêu nước, bị giặc Pháp xử chém vào những năm cuối thế kỷ XIX tại đầu cầu sông Cạn, thuộc địa phận xã Diên An.

Miếu Thờ Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong Diên Khánh Nha Trang

Miếu Thờ Trịnh Phong Nha Trang ở đâu?

Miếu Trịnh Phong tọa lạc giữa thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh. Từ thành phố Nha Trang, theo đường 23/10 lên đến ngã tư Thành Diên Khánh là đến di tích, bên trái, cạnh cây Dầu Đôi to lớn đứng sừng sững bên đường 23/10.

miếu thờ trịnh phong Nha Trang

Đường đi đến Miếu thờ Trịnh Phong

Trên đường 23-10 từ thị trấn Diên Khánh xuống TP. Nha Trang, ngay sát địa điểm Cây Dầu đôi thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An có một ngôi miếu nhỏ đơn sơ nằm sát đường, mặt quay về phía Nam, được nhân dân gọi là Miếu thờ Trịnh Phong.

miếu thờ trịnh phong Nha Trang

Lịch sự hình thành miếu thờ Trịnh Phong Diên Khánh

Trịnh Phong sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, chúng ta không có tư liệu chính thức về thân thế và sự nghiệp của ông một cách đầy đủ, song chắc chắn rằng khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương (tháng 8-1885) thì ông đang là một vị quan của triều đình (tài liệu của Pháp có ghi rằng ông giữ chức Đề lại), đóng ở thành Diên Khánh.

Vốn là người tài đức, lại kết giao rộng rãi với những người cùng chí hướng, bởi vậy ngay sau khi cờ nghĩa dựng lên đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng như đội ngũ trí thức Khánh Hòa lúc bấy giờ cùng hưởng ứng, quy tụ dưới lá cờ của “Bình Tây đại tướng”.

Dựa vào vũ khí hiện đại, đồng thời sử dụng những biện pháp khủng bố dã man như đốt trụi nhà cửa, giết sạch dân làng từ già đến trẻ, phạt tiền rất nặng những làng có người tham gia kháng chiến, kết hợp với thủ đoạn mua chuộc… khiến cho phong trào kháng chiến ngày một khó khăn. Sau khi thành Diên Khánh bị thất thủ, Trịnh Phong đã chuyển hầu hết nghĩa binh rút lui về phía Bắc, một bộ phận lớn lên núi Hòn Hèo tiếp tục kháng chiến.

miếu thờ trịnh phong Nha Trang

Trải qua một số trận đánh, lực lượng nghĩa quân ngày càng bị tổn thất, nhiều tướng lĩnh sa vào tay giặc và đến cuối tháng 8-1886 Trịnh Phong cũng bị giặt bắt. Biết rằng không thể mua chuộc được người anh hùng, thực dân Pháp đã hèn hạ xử trảm ông cùng một số đồng chí của ông để uy hiếp tinh thần yêu nước của nhân dân tại Hòn Khói (11-9-1886).

Cùng lúc đó, người bạn chiến đấu thân thiết của ông, Tổng trấn Trần Đường cũng đã hiên ngang đón nhận cái chết để cứu dân làng. Một số nghĩa binh đã rút ra Phú Yên tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng nghĩa quân của Lê Thành Phương.

Sau cái chết oanh liệt của Trịnh Phong, nhân dân vô cùng thương tiếc và nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại đã được lưu truyền để khẳng định đức độ và sự linh thiêng của ông. Chính vì vậy, miếu Cây Dầu đôi được coi là nơi quân giặc đã treo đầu ông để thị uy dân chúng.

Truyền rằng, cách đây hơn 100 năm, có một người đàn bà đi qua cây Dầu đôi chợt nhìn thấy một đầu người treo trên cây. Không ai rõ lai lịch của cái đầu lâu ấy. Một buổi nọ, có người đàn ông đang cày đồng bỗng chạy một mạch đến cây dầu đôi tự xưng mình là Trịnh Phong đã bị kẻ thù sát hại bêu đầu trên cây. Nói xong, người ấy lăn ra bất tỉnh, khi tỉnh lại thì đi đâu mất không ai rõ.

Có thể, đây là một hình thức mà nhân dân Khánh Hòa “hợp thức hóa” việc thờ cúng cho ông dưới thời Pháp thuộc.

Miếu Thờ Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong

Miếu quay mặt về phía Tây, trông lên đỉnh Hòn Dung cao ngất, xây dựng vào khoảng những năm 90 thế kỷ XIX, ban đầu là am thảo nhỏ. Đầu thế kỷ XX, dân làng xây lại miếu. Miếu hiện nay làm đơn giản, lợp mái tôn.

miếu thờ trịnh phong Nha Trang

Suốt một thế kỷ qua, mặc dù thờ Trịnh Phong, nhưng trong miếu không để bài vị thờ, bởi lẽ đối với chính quyền thực dân phong kiến, Trịnh Phong là kẻ thù không đội trời chung. Song tình cảm của nhân dân Diên Khánh đối với Trịnh Phong vẫn còn lưu truyền mãi mãi…

Di tích Miếu Trịnh Phong có tổng diện tích 639,1m2. Miếu được xây theo lối kiến trúc một gian hai chái, ba cửa ra vào được thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản, kết cấu khung gỗ mang nét đặc trưng di tích truyền thống ở Khánh Hòa. Bái đường lát gạch bát tràng, cao hơn sân khoảng 30cm, không có tường bao mà chỉ có 4 hàng chân cột gồm có 4 cột cái và 14 cột quân.

miếu thờ trịnh phong Nha Trang

Bốn cột cái tạo thành hai bộ vì nóc kết cấu kiểu vì kèo, các thanh kèo phụ , đấm phụ và khuyết phụ ăn mộng từ cột cái chạy ra đầu các cột quân. Hệ mái lợp ngói âm dương, đỉnh mái đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Chính giữa bái đường đặt 01 ban thờ gỗ đơn giản, nhưng thể hiện sự cổ kính, trang nghiêm.

Chánh điện treo 01 bức hoành phi bằng gỗ khắc chữ Hán Nôm “Vạn An miếu”. Hệ cửa thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Giữa Chính điện đặt ban thờ Hội đồng, hai bên đặt cặp lọng vải, phía trên ban thờ treo 01 bức chấn bằng vải. Giáp với tường hồi phía sau là khám thờ bằng gỗ được chạm trổ rất tỉ mỉ và khắc chữ Hán Nôm “Thần” ( 神 ).

miếu thờ trịnh phong Nha Trang

Bốn cột gỗ vuông đỡ hệ mái Chánh điện; trên thân cột chạm khắc hai cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm và được sơn son thếp vàng; phía trên chạm trổ hoa văn hình hoa lá. Đầu dư của các thanh kẻ và kèo cũng được chạm khắc cách điệu tạo sự mềm mại trong di tích. Phía trong Chính điện treo hai cặp câu đối ca ngợi công đức của Trịnh Phong.

Hàng năm, di tích tổ chức cúng Xuân vào ngày 16/03 âm lịch. Cứ 3 năm lại cúng đại lễ một lần.

Hiện nay mộ phần của Trịnh Phong tọa lạc tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ở khu mộ phần, ngoài mộ của ông còn có 02 ngôi mộ của thân phụ và thân mẫu. Khu mộ được tôn tạo năm 2005 và năm 2012.

Ghi nhận những giá trị lịch sử – văn hóa của di tích, năm 1991 Bộ Văn hóa – Thông tin đã ban hành quyết định số 1548 – QĐ ngày 30/8/1991, xếp hạng Miếu thờ Trịnh Phong Nha Trang là di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

Thông tin liên hệ

Xem bản đồ

Địa chỉ:

Cây dầu đôi - Ngã 3 Thành (Thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh) - Diên Khánh

Điện thoại:

Đang cập nhật

Email:

info@nhatrangtoday.vn

Góp ý bài viết